Biện pháp quy trình thi công ván khuôn cột đúng kỹ thuật

Biện pháp thi công ván khuôn cột đạt đúng yêu cầu về mặt kỹ thuật và đảm bảo chất lượng công trình là công đoạn quan trọng. Không chỉ là nơi chịu lực tạo tính bền vững của công trình mà còn quyết định chất lượng bề mặt cho kết cấu bê tông.

1. Yêu cầu kỹ thuật của ván khuôn khi thi công

Độ vững chắc: Ván khuôn khi thi công phải đảm bảo đạt độ dày theo đúng quy định, đảm bảo độ cứng, độ ổn định và khả năng dễ tháo lắp, không gây khó khăn cho việc đặt cốt thép, đổ và đầm bê tông. Không bị biến dạng dưới trọng lượng của bê tông cốt thép và tải trọng trong quá trình thi công,

Ván khuôn không được hở mà phải được ghép kín, khít đảm bảo nước xi măng không được chảy ra ngoài khi đổ bê tông

Lựa chọn ván khuôn phải đúng kích thước và hình dáng, nên loại bỏ những ván khuôn bị cong vênh để đảm bảo khi thi công lắp ghép đúng hình dáng, kích thước của kết cấu theo thiết kế

Ván khuôn đổ cột

Cây chống phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và quy cách. Mật độ cây chống phải được tính toán cụ thể. Gỗ chống phải được chống xuống chân đế bằng gỗ, phải được cố định chắc chắn tránh xê dịch trong quá trình thi công

Ván khuôn có thể dùng gỗ hoặc tole, mỗi loại sẽ có kích thước, tiêu chuẩn riêng cho từng loại cấu kiện bê tông cần đúc

Đối với ván khuôn sàn có thể lót thêm bạt ở trên ván, để hạn chế việc mất nước xi măng

Khi thi công ván khuôn cần chú ý đến khả năng chịu lực của gỗ ván và đà giáo

2. Quy trình thi công ván khuôn cột

2.1 Xác định tim, trục cột

Đầu tiên sử dụng 2 máy kinh vỹ đặt theo 2 phương vuông góc để xác định vị trí tim cột và các mốc đặt ván khuôn. Sơn và đánh dấu các vị trí để tiện cho việc xác định chính xác trong quá trình thi công.

Công tác định vị tim cột

2. 2 Lắp dựng và kiểm tra cốt thép

Cốt thép được gia công và lắp dựng dưới cột. Việc lắp dựng cốt thép phải đảm bảo không được làm biến dạng trong quá trình thi công, không gây ảnh hưởng đến các bộ phận lắp dựng. Sau khi lồng và buộc xong cốt thép thì tiến hành lắp ráp ván khuôn cột.

2.3 Lắp ráp ván khuôn cột

Ván khuôn có thể được lắp ghép từng mặt của cột hoặc đưa vào bằng cần trục để tiến hành lắp ghép. Trong quá trình lắp ghép, tiến hành kiểm tra và điều chỉnh vị trí ván khuôn bằng quả dọi hoặc máy kinh vỹ. Sau đó, định vị bằng các cây chống xiên hoặc ngang, dây neo để đảm bảo vị trí và chiều dày lớp bảo vệ cho cốt thép.

2.4 Đổ bê tông

Sau khi lắp ráp ván khuôn cột, sẽ cho đổ bê tông theo trình tự đã định. Quá trình đổ bê tông cần thực hiện đổ từ xa đến gần, từ trong ra ngoài, bắt đầu từ chỗ thấp trước và đổ theo từng lớp. Sử dụng đầm dùi để tránh bọt khí tạo lỗ hỏng gây ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của cột.

2.5 Bảo dưỡng bê tông

Sau khi đổ xong bê tông sẽ tiến hànhi bảo dưỡng trong vòng 2 – 4 ngày để đảm bảo khả năng ninh kết của bê tông để đạt được phẩm chất tốt nhất.

2.6 Tháo dỡ ván khuôn cột

Thời gian tối thiểu để có thể tháo dỡ ván khuôn cột là 36 – 48 giờ sau khi đã đổ xong bê tông. Việc tháo dỡ cần thực hiện cẩn thận để tránh làm nứt vỡ cấu kiện.

2.7 Nghiệm thu hạng mục cột

Bước cuối cùng là tiến hành nghiệm thu hạng mục cột để đảm bảo chất lượng và đúng quy trình thi công.

Thi công ván khuôn cột là yếu tố quyết định đến tính ổn định, hình dạng, kích thước của bê tông, đảm bảo chất lượng và an toàn trong xây dựng

Bài viết liên quan