Trước có rất nhiều bạn có hỏi mình về quy trình nhận và kiểm tra căn hộ vậy mình xin tổng hợp luôn một số kinh_nghiệm mình đã đi nhận nhà cho quý cư dân như sau:
== NGUYÊN TẮC:
Nên kết hợp với bên đơn vị thiết kế và nhà thầu thi công để nhận và kiểm tra thực địa.
Kiểm tra mặt bằng Diện tích thông thủy thực tế so với bản vẽ của Chủ Đầu tư.
Trước khi triển khai công việc nên chụp ảnh hoặc quay clip toàn bộ phần thô căn hộ.
Chuẩn bị một số vật dụng sau:
– Phụ lục hợp đồng về trang thiết bị căn hộ, hoặc mô tả chi tiết căn hộ.
– Bản vẽ mặt bằng căn hộ, có càng đầy đủ kích thước;
– Bút thử điện hoặc đèn ngủ hoặc xạc điện thoại, 01 tô vít nhỏ.
– Xô, Chậu đựng nước nhỏ (Nếu có thể có).
– Thước dây (loại cứng có thể đo được chiều cao), Thước nhôm loại dài, bút viết.
– Tem niêm phong (nếu có).
– Đèn pin, hoặc điện thoại có đèn pin.
== CÁCH THỨC NHẬN BÀN GIAO
Nhìn chung quy trình nhận bàn giao căn hộ và cách thức kiểm tra căn hộ đều tương tự nhau, việc thi công chung cư nhiều hạng mục, việc có các sai sót là chuyện thường ở huyện, cư dân chỉ kiểm tra chỉ nên rà soát và yêu cầu những lỗi lớn, tránh sa đà vào tiểu tiết mà bỏ qua những vấn đề lớn, nghiêm trọng vì thời gian nghiệm thu không được nhiều đâu (CĐT bàn giao nhiều căn cùng lúc nên nhân lực thiếu sẽ thường xuyên giục để kiểm tra nhanh)
Để kiểm tra nhận nhà ta làm các bước sau:
Sử dụng phụ lục hoặc bảng mô tả chi tiết căn hộ đã chuẩn bị sẵn để đánh dấu tình trạng các trang thiết bị đã kiểm tra (tốt hay không tốt, hư, cần sửa chữa, thiếu hay đủ…).
== KIỂM TRA HIỆN TRẠNG
Trước hết bạn kiểm tra độ phẳng của bề mặt tường bằng cách dùng thước nhôm áp lên tường và nhìn qua khe hở giữa thước và tường, nếu cẩn thận hơn bạn có thể tắt đèn và dùng đèn pin soi ngược lại xem ánh sáng có lọt ngược lại không. Chú ý kiểm tra mặt tường ở độ cao khoảng 1,5m đến 1,8m (chỗ giáp lai giữa hai tầm giáo) là hay bị lỗi nhất.
Sau khi đã kiểm tra độ phẳng, bạn bắt đầu kiểm tra màu sơn của tường, xem màu có đồng bộ hay bị loang lổ hay không, kiểm tra kỹ ở các vị trí gần công tắc, máy điều hòa, quạt gió…Riêng phần trần nhà thì bạn bật toàn bộ hệ thống đèn nên là sẽ nhìn ra những vết lỗi lõm, nứt chân chim giữ các điểm tiếp giáp.
Kiểm tra chủng loại, màu sắc, kích thước và nhãn hiệu của gạch, chú ý kiểm tra ở tất cả các phòng. Các mạch ốp phải thẳng, đều và sắc nét. Toàn bộ bề mặt kết cấu phải làm sạch vữa, bột chít mạch và các vết bẩn ố trên bề mặt ốp. Công tác kiểm tra chất lượng ốp tiến hành theo trình tự thi công và bao gồm các chỉ tiêu chính như sau:
+ Độ phẳng của mặt ốp (làm tương tự như kiểm tra tường)
+ Độ đặc chắc và bám dính của nền ốp với vật liệu ốp bằng cách gõ vào bề mặt gạch ốp.
+ Độ đồng đều của mặt ốp về màu sắc, hoa văn, các mạch ốp, chi tiết trang trí.
== KIỂM TRA HỆ THỐNG ĐIỆN NƯỚC
Kiểm tra các lộ dây cấp, đế, ổ điện, cáp, attomat, công tơ… (Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu bố trí lại các ổ cắm điện hợp lý, phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình tất nhiên bạn phải làm việc trước với CĐT để đề xuất chỉnh sửa.)
Kiểm tra hệ thống đèn trần, đèn ban công, đèn WC, đèn nhà bếp, xem tất cả chúng có sáng không, bóng có bị lệch và nhấp nháy không?
Kiểm tra hệ thống đường dây điều hoà xem có lắp đúng tiêu chuẩn, đường ống có bị nhô ra ngoài không? Hệ thống nước điều hòa thì chảy về đâu? Vị trí đặt cục nóng có rộng và hướng cục nóng chĩa ra khu vực ban công hay ngoài trời??… Một số dự án khi em đi nhận bàn giao cho khách hàng thì nhận thấy CĐT thường kết hợp với hãng Điều hòa để đi đúng đường dây và khách hàng chỉ có thể lắp được đúng loại điều hòa của hãng đó.
Kiểm tra hệ thống hệ thống thoát nước thải ở sàn và logia, WC, Bếp… kiểm tra kỹ độ dốc để khi các bác dội nước thì bề mặt sàn và lo gia không có hiện tượng đọng nước. Nếu cần thiết thì có thể thì xuống căn bên dưới để kiểm tra phần ống kỹ thuật của nhà mình.
Kiểm tra Đầu cấp nước: Van tổng, đường ống chờ, v.v.. Thường các dự án chung cư nước chảy rất mạnh nhưng các bác vẫn cần phải kiểm tra xem lực nước của căn hộ mình chảy mạnh hay yếu. Nếu yếu thì yêu cầu CĐT xử lý lại còn nếu mạnh thì thuê ngay nhà thầu thi công lắp hệ thống “VAN GIẢM ÁP” tránh bị hỏng các thiết bị khác trong căn hộ.
Kiểm tra xem đường dây vòi hoa sen, vòi xịt nhà vệ sinh, …. Bằng cách dung giấy vệ sinh thấm các đường dây để xem có hiện tượng rò rỉ, thấm nước không?
Nếu căn hộ bạn được trang bị bình nóng lạnh thì phải kiểm tra nguồn gốc máy giấy bảo hành, kèm theo kiểm tra lại đường ống nóng lạnh và kiểm tra đường điện xem CĐT đã lắp dây mát chống giật chưa?
Kiểm tra các Đầu cấp các tín hiệu : TH, ĐT, Internet… Đầu báo cháy, báo khói, vv
== KIỂM TRA NỘI THẤT
Cánh tủ không được vênh, lưu ý cánh tủ quần áo rất dễ vênh (ngắm bằng mắt hoặc dùng thước nhôm), cánh mở ra đóng vào không bị chạm vào các cánh/kết cấu khác. Khi đóng các khe hở giữa các cánh, giữa cánh với cánh tủ phải đều, khe hở tối đa không quá 2mm.
Các bản lề bật cho tủ bếp phải bắt chắc chắn và đầy đủ vít, với cánh có chiều cao <600 thì cần 2 bản lề cho mỗi cánh, lớn hơn phải có từ 3-4 bản lề/ cánh. Kiểm tra các ngăn kéo kéo ra nhẹ nhàng. Không tự trôi ra, các ruột ngăn kéo phải được phủ sơn. Cẩn thận nhấc hẳn ngăn kéo ra ngoài nhìn phía trong ruột tủ có sơn hay không.
Mặt đá tủ bếp chỗ nối phải phẳng (kiểm tra bằng tay hoặc áp thước nhôm lên), các cạnh phải đánh bóng đều, không còn vết mài, chỗ đặt mặt chậu rửa tiếp xúc với mặt đá phải bơm silicon, vết bơm không được lem nhem. Tủ bếp, kệ bếp. Mở, đóng, kéo ra vài lần để kiểm tra độ khít của bản lề cửa và độ nhạy của hộc tủ.
Kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa ra vào, sàn gỗ trong Căn hộ:
– Rất nhiều căn hộ khi nhận nhà Các bác không để ý về chỉ liếc mỗi cái logia xem có rộng không? có thoáng không? mà không để ý rằng cái cửa logia là nơi mà nước rỏ rỉ vào căn hộ nhiều nhất qua điểm tiếp giáp giữa sàn và cửa lô gia nếu không để ý sẽ bị ngập hỏng sàn gỗ và đồ nội thất
– Kiểm tra roăng cao su của cửa sổ xem có đều mịn không? Các vìa tường có hiện tượng ẩm mốc không? Nếu bị ẩm mốc là nguyên nhân nước bị ngấm qua đường cửa sổ..
– Kiểm tra toàn bộ các Cánh cửa xem có hiện tượng bị kẹt không? Cánh có bị cong vênh, nứt, sơn phủ bề mặt có đều không?
– Kiểm tra toàn bộ phần sàn gỗ của các phòng xem có bị ép, lún, phồng, ọp ẹp, sứt và có khe hở với len tường không? Các cạnh có bị rộp vẩy nến do bị thấm nước hay không?
== KIỂM TRA DIỆN TÍCH
Dựa theo biên bản bàn giao và hồ sơ kỹ thuật, bản vẽ mặt bằng chúng ta chuẩn bị để đo đạc kiểm tra diện tích căn hộ
Với thời gian bàn giao ngắn ta không thể kiểm tra hết các kích thước của căn hộ mà nên tập trung đo đạc kiểm tra các kích thước tổng thể, kích thước lớn như chiều rộng, chiều dài các phòng, nếu khớp hoặc sai lệch ít thì có thể chấp nhận, nếu sai lệch nhiều thì bắt đầu kiểm tra kỹ hơn để xác định xem có bị lệch quá 2% diện tích không?
Thực ra việc tăng hay giảm diện tích căn hộ nói cho cùng làm sao khi ra sổ hồng diện tích trong đó ghi đúng diện tích mình trả tiền là được.
Lúc kiểm tra diện tích tiện thể kiểm tra điểm chiều cao nhà xem có đúng thiết kế không
== BÀN GIAO CĂN HỘ
Nếu tất cả các hệ thống điện nước và các thiết bị trong nhà đều ổn thì bạn tiến hành kí nghiệm thu nhận nhà và sử dụng tem niêm phong khi khóa căn hộ lại. Lưu ý nhớ đóng tất cả các cửa, tắt các CB tại bảng điện trung tâm, khóa cửa ban công lại ra cửa yêu cầu kiểm tra khóa cửa chính và yêu cầu bàn giao các loại remote và chìa khóa. Nên reset lại mã và đặt mã mới, mời hết mọi người ra ngoài và dán niêm phong lại (yêu cầu cả hai bên ký vào). Trước khi bạn đi về đừng quên yêu cầu bàn giao các chỉ số đồng hồ điện, nước tại thời điểm bàn giao.
Cuối cùng là làm việc với đơn vị ban quản lý để tiến hành khai báo chủ sở hữu căn hộ, đăng kí thẻ xe, điện, nước, Internet, truyền hình cáp, làm KT3, sửa chữa căn hộ…
Chúc các bạn thành công
Nguồn: Coppy